<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ NHÂN SINH
Tác giả: TT. Thích Mật Thể

    Từ thuở nào đến bây giờ khi trí thức của con người đã được nảy nở, đứng trước vũ trụ bao la, người ta bắt đầu băn khoăn đánh dấu hỏi :
          1.-  Vũ trụ là gì ?
          2.-  Nhân sinh do đâu mà có ?
          3.-  Có để làm gì ?  Và chung kết của nhân sinh như thế nào ?   Đó là những vấn đề đã làm các tôn giáo, các thánh nhân hiền triết từ xưa đến nay, phải dung hết tâm tư để tìm tòi nghiên cứu.
          Tùy theo chỗ nhận thức của mỗi người, sẽ có sự giải đáp khác nhau, và vấn đề nhân sinh bao giờ cũng được giải thích nhịp nhàng theo thuyết vũ trụ.
          Quan sát về vấn đề nhân sinh, đại khái ta có thể chia ra làm ba phần :
          a.-  Nhân sinh do đâu mà có ?
          b.-  Cuộc sống còn của nhân sinh ?
          c.-  Sự chung kết của nhân sinh ?
          Về phần nhân sinh do đâu mà có theo các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều thuyết khác nhau như:
          Nho giáo chủ trương từ hỗn độn, sơ khai (tức là từ vô cực sinh ra thái cực) sinh ra hai khí âm dương, sinh ra các nguyên chất (tứ tượng, bát quái) rồi cho nguyên chất phối hợp mà thành ra muôn vật.
          Các nhà triết học thì kẻ nói do nước tạo thành muôn vật như ông Thalès, kẻ nói do không khí tạo thành muôn vật như ông Anaximène, hoặc do các số hợp thành muôn vật (một hợp với một thành hai, hai hợp với một thành ba v.v… như ông Pythagore.)  Lại các nhà luận sư Ấn Độ chủ trương do tự tính (có trí giác) và minh sơ (không tri giác) kết hợp mà thành muôn vật như Số luận sư.
          Lại có nhà nói do cái tính có (đại hữu tính) mà phát sanh ra vật chất, ra tính cách, ra nghiệp dụng … rồi do các tính ấy mà hóa thành muôn vật như Thắng luận sư. 
          Còn thần giáo thì chủ trương do đấng tạo hóa sinh ra muôn vật.
          Đến như các nhà khoa học thì xem vũ trụ toàn bằng vật chất, ban đầu do các nguyên tố kết hợp mà có ra các hạ đẳng động vật, rồi do các hạ đẳng động vật, tiến hóa dần dần lên mà thành loài người.  Nông nổi nhất là thuyết thủy tổ loài người là khỉ như tiến hóa luận của Darwin.
          Vì sự nghiên cứu có hạn, nên không muốn bàn đến các thuyết trên, ở đây chỉ xét về vấn đề nhân sinh theo quan niệm Phật giáo:
          Theo Phật giáo, nhìn chung vào toàn thể các loài có giác tính trong vũ trụ, thì nhân sinh chỉ là một giống loài hay một sinh vật, đã có trình độ tiến triển tương đương (chứ chưa phải tuyệt đích).  Cao hơn nhân sinh có Phật và Bồ-tát, thấp thua nhân sinh là các loài vật.
          Nên trong Phật giáo thườntg gọi chung là chúng sinh, như những câu :   “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật.”
          Tuy đồng một thể tính, song tùy chỗ mê ngộ, cao thấp khác nhau, Phật giáo có chia làm mười pháp giới :
          1.-  Phật (bậc đã Giác ngộ hoàn toàn).
          2.-  Bồ-tát (bậc Giác ngộ còn thấp hơn Phật)
          3.-  Duyên giác (bậc Giác ngộ còn thấp hơn Bồ-tát)
          4.-  Thanh văn (bậc giác ngộ ưa hưởng Niết-bàn, có thể tương đương với Duyên giác, song trí huệ còn thấp kém)
          5.-  Thiên (trời, hoặc chư thiên)
          6.-  Nhân (người)
          7.-  A-tu-la (quỉ, thần)
          8.-  Địa ngục (chúng sinh ở các cõi đầy đau khổ)
          9.-  Ngạ quỉ (ma đói)
          10.- Súc sinh (các loài súc vật)
          Trong mười pháp giới này, chỉ có khác nhau mê và ngộ.  Mê là chỉ cho trạng thái tối tăm mời ám, si mê trong cảnh giới không thực, không sáng suốt nhận rõ chân lý của vũ trụ, mê muội quá nhiều thì làm loài chúng sinh ở vào cảnh giới đầy tối tăm, khổ não ở địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sinh.
          Trái lại, Ngộ như người ngủ mê chợt tỉnh, biết cảnh giới trong chiêm bao là giả huyễn, không thật, ấy là cảnh giác ngộ của chư Phật, Bồ-tát, nếu chỉ lấy quan niệm chúng sinh mà luận, thì Phật chính là bậc Giác ngộ hoàn toàn nhân cách cao thượng – là Người đã đạt đến chỗ tuyệt đích của nhân sinh, mà Duyên giác, Thanh văn là những bậc còn phải tiến lên nữa, để đi tới chỗ tuyệt đích ấy.
          Nếu đối với sinh mệnh lớn lao vô cùng của vũ trụ nhân sinh chỉ là một loài chúng sinh hay một nhân vật đương ở vào một trình độ tiến triển lưng chừng.  Nghĩa là nói nhân sinh biết noi theo con đường tiến hóa của tâm trí mà đi, biết làm cho đời sống của mình hòa nhịp với nghĩa sống của vũ trụ, thì nhân sinh nhất định còn tiến hóa hơn nữa, mà đi vào một địa vị :   Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật.  Trái lại, nến nhân sinh sai lầm đi ngược giòng tiến triển, hành vi, tư tưởng, traí với pháp lý vũ trụ, gây ra nghiệp chướng tội ác rất nhiều, thì sẽ ra vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh.
          Nhìn chung vào các loài có hình thức, có giác tính giác ngộ, Phật giáo có một quan niệm rộng lớn như trên.
          Song không phải vì thế mà Phật giáo không nói đến nhân sinh, không có quan niệm gì về nhân sinh.
          A.-  Nhân sinh do đâu mà có
          Cũng như thuyết vũ trụ vạn hữu, đã từ trong một bản thể rộng lớn sinh ra, thì nhân sinh cũng là một hiện tượng trong vũ trụ, cũng từ bản thể đó mà sinh.  Song vạn hữu là chân thực, hay giả huyễn ?  Vạn hữu chỉ là cảnh tượng của bản thể, của tâm chí chân.  Tức khi nhân sinh đã đến một trình độ tuyệt đích, thấu rõ thực tướng của vũ trụ, lý trí hợp nhất, đem trí ấy mà chiếu vào sự vật, sự vật đều chân.  Ngoài ra giữa cuộc biến chuyển vô thường muôn vàn cảnh tượng sai khác, vạn hữu chỉ là giả huyễn, khác nào bọt nước bóng gương.
          Từ bao giờ nhân sinh đã quên mình là một “phần tử” của cái “Tâm” thể nhận lấy cái thể riêng biệt là mình, dùng tâm lý sai lầm nhận thức các vật tượng, nhân đó sinh ra mê vọng điên đảo, do tư tưởng phát động ra hành vi, trong cuộc sống hàn ngày sinh ra ba nghiệp.  Chữ nghiệp (Karma) nghĩa là tạo tác, hay hành động; tư tưởng suy nghĩ, thân hành động, miệng nói phô do ba nghiệp ấy ảnh hưởng phản lại, cảm thành tập quán, thành kiến, tạo nên nguồn sống dục vọng di truyền từ kiếp này sang kiếp khác, gọi là dẫn nghiệp “tức dẫn lực của nghiệp” mà nguồn sống ấy gọi là nghiệp thức - Những hiện tượng của thế giới nhân loại, từ thân tâm cho đến cảnh vật, đều là phản ảnh trung thành của nghiệp thức ấy, do đó mà số chugn chúng sinh , đồng nghiệp cảm ứng ra.  Hiện ta có thân thể như thế này, do đời trước tạo nghiệp mà sinh.  Thân tâm của ta là do một cuộc tập hợp mà có, thân tâm tập hợp này là quả thuộc về nhân quá khứ, quả này lại là mê lầm, tạo nghiệp làm nguyên nhân cho cuộc tập hợp về sau, cứ như thế đời này hết đời sau nối nhân quả biến chuyển như vòng giây xích, nhân sinh cứ quanh quẩn trong đó chịu lấy vô lượng khổ não.  Để giải thích về mọi mê lầm của nhân sinh, Phật giáo có thuyết Bốn đế và 12 Nhân duyên rất là phổ thông:
          Trong hai đế Diệt, Đạo là thuộc về giải thoát luận, còn hai đế Khổ và Tập, nếu bàn rộng ra tức là 12 nhân duyên:
          1.-  Vô minh :   chỉ cho trạng thái mê lầm không giác ngộ
          2.-  Hành :   sự biến chuyển của nghiệp thức
          3.-  Thức :  nghiệp thức
          4.-  Danh sắc :   tức là nghiệp thức và khí huyết của cha mẹ
          5.-  Lục nhập :   ngũ quan và ý thức
          6.-  Xúc :  sự cảm xúc của ngũ quan và thức trong khi đối cảnh
          7.-  Thụ :   sự lãnh thụ tâm đối cảnh
          8.-  Ái :   lòng tham yêu
          9.-  Hữu :  là có hoặc là cõi do những nhân duyên trên
          10.-  Thủ :   lòng chấp trước gìn giữ
          11.-  Sinh :   nhân quả về sau trong các cõi thụ sinh
          12.-  Lão tử :   già, chết
          Trong 12 nhân duyên, Vô minh, Hành là nhân thuộc về quá khứ ;  Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ là quả thuộc hiện tại; Ái, Thủ, Hữu là nhân thuộc về hiện tại.  Còn Sinh, Lão tử thuộc về vị lai.
          Như thế thành ra trong cuộc sống của nhân sinh là một cuộc sống triền mien giữa tâm và vật, giữa nghiệp thức mê vọng với hoàn cảnh giả huyễn, để chịu lấy khổ quả mình đã gây ra.  Nên cổ nhân có câu :   “Đời người là một giấc chiêm bao dài.”  Phật dạy rằng :   “Đời là bể khổ,”  Người ta ở trong giấc chiêm bao dài ấy, trong bể khổ ấy khi vinh khi nhục, khi thịnh khi suy khi thăng, khi trầm, quay cuồng hụp lặn, mê lầm tạo nghiệp để rồi chịu một giấc chiêm bao dài khác, cứ thế đời này sang đời khác, từ kiếp nọ sang kiếp kia, nhân sinh ra quả, quả lại gây nhân, thuyên chuyển vòng quanh, không bao giờ dứt, nếu không biết tìm lấy con đường để cứu thoát.
          Xét về nguyên lý nhân sinh do đâu mà có là nghĩa như thế.  Còn muốn biết nhân sinh phát hiện trên quả đất này từ lúc nào, thì ta lại nên biết quả đất này có tự bao giờ?
          Theo Phật giáo trong vũ trụ có vô số thế giới, mỗi thế giới có một hình thức tổ chức không giống nhau, và cứ thế giới này thành, thì thế giới kia hoại, khi thế giới này hoại, đã có thế giới khác sắp thành, cứ thế luân chuyển mãi mãi.  Quả địa cầu của chúng ta ở đây, chẳng qua là một bộ phận nhỏ của một thế giới.  Kể từ khi quả đất này thành lập, nghĩa là từ khi chất lỏng của vật chất và không khí bắt đầu ngưng kết lại cho đến như ngày nay, theo sự kế toán của các bậc thông thái trong Phật giáo, trong các kinh luận, thì trải qua thời gian dài dằng dặc là 4.799.640.000 năm, tuy thế không phải người ta có ngay trên quả đất từ khi mới cấu thành, trải qua thời gian 335.960.000 năm, nghĩa là nhân sinh xuất hiện trên quả đất này đến nay kể có 144.000.000 năm.  Song trong khoảng thời gian ấy, đã phải trải qua biết bao nhiêu hưng vong của nhân loại lớp này còn đến lớp khác mọc, sinh sinh diệt diệt mãi như thế, bây giờ ta làm gì tìm được cái dấu tích mà ta gọi là “con người nguyên thủy.”  Những sự phát minh từ các nhà nhân chủng học, cũng chỉ có thế đánh dấu được lớp người về một thời đại nào đấy thôi.
          Khi hiểu nguyên lý của nhân sinh, thì những sự xảy ra trên lịch sử, hay những điều phát minh kỳ lạ, chỉ là sự vụn vặt tầm thường, có gì đáng làm kinh hoảng ?
          B.-  Cuộc sống còn của nhân sinh
          Nhân sinh đã là huyễn, vô thường, do mê vọng mà có.  Như thế nguồn gốc nhân sinh hẳn không có giá trị, thì tưởng cuộc sống của nhân sinh cũng chẳng có nghĩa lý gì?  Chính thế, nên nhân sinh mãi vô tư sống triền mien trong mê vọng, thâu vũ trụ vào trong gang tấc, nhìn hạnh phúc đời người không ngoài sự cơm ăn áo mặc, chơi bời cho sung sướng.  Vâng, với tuổi thanh niên bồng bột, dục vọng tràn trề cho thế là vui thích.  Song đến chừng tuổi già lụm khụm, tinh thần uể oải, bấy giờ chỉ thấy đời lãnh đạm, buồn thiu, nhìn lại trước :  Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu !  Trông về sau chỉ thấy lan man vơ vẫn, không một lý tưởng gì cao xa, không một nhận định gì xác thực, thì rồi chỉ dần dà, đợi đến ngày tắt thở, cho là liễu cuộc đời.
          Ôi, nếu nhân sinh chỉ có thế, và không gì hơn nữa, thì thử hỏi cuộc sống của nhân sinh còn có ý nghĩa gì !
          Tuy vậy, một phương diện khác nhân sinh do mê vọng mà có, song cũng là một hiện tượng trong vũ trụ.  Nếu con người biết nhận định xác thực về ý nghĩa đời sống của mình, biết phụng sự một lý tưởng cao thượng, thì con người sẽ thấy ngay cuộc biến chuyển vô thường của vạn hữu chỉ là sự thay hình đổi dạng, cho đến cái chết của con người, cũng chỉ là một trạng thái thay đổi mà thôi.  Trong vũ trụ chẳng có cái gì là mất hẳn, từ một hiện tượng này qua một hiện tượng khác, chỉ là sự thay đổi về hình thái, cho nên mất rồi lại có.  Người ta chết đi rồi tập hợp một đời sống khác, đâu phải chết là “tiêu mất,” cho nên chết để mà tái sinh.  Như thế cuộc sống của con người đâu phải phóng túng buông lung, lu bù trong dục vọng, để phải đắm chìm trong sông mê bể khổ.  Mà cũng không yếm thế, tiêu cực, ngồi khoanh tay để nhìn giòng đời lưu chuyển.  Ta chớ hiểu lầm trong Phật giáo dạy cho biết vạn hữu vô thường, con người mộng huyễn, do mê vọng mà có, là Phật giáo hoàn toàn chủ trương yếm thế, tiêu cực.  Không!  Đấy là sự thực của vạn hữu vũ trụ mà đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta biết, một phương diện để tự vững long không đắm say theo cảnh sắc giả dối ấy, đều phải bị dục vọng lôi kéo.  Cuộc sống của nhân loại không phải chỉ hạn cuộc trong đời người mà vô hạn.
          Có quan niệm như thế, ta mới nhận thấy cuộc sống của con người tràn đầy ý nghĩa, là một cuộc phấn đấu không ngừng, phấn đấu một cách chân chính (chính tinh tiến) để tiến hóa hơn lên, để hoàn thành ý nghĩa cao thượng, đạt đến đích giác hoàn toàn, nhân cách cao thượng. Nên trong Phật giáo dù có quan niệm “yếm thế” mà vẫn “lạc thiện” (optimisme), dù quan niệm có “tiêu cực” mà tiêu cực để tích cự hoạt động.  Chứng thực cho điều đó, chính đức Phật trong mỗi khi thuyết pháp, Ngài thường nói đến “vô ngã,” mà kỳ thực đời Ngài là một đại ngã hoạt động.  Đời là giả dối vô thường, là khổ, nhưng còn dễ chịu hơn địa ngục đầy đau thương thống khổ !  Thế mà Ngài Địa Tạng Bồ-tát vẫn kiên quyết thề rằng :   “Nếu địa ngục mà còn có chúng sinh đau khổ chưa được giải thoát, Ta thề quyết không bao giờ thành Phật.”  Cùng các vị Bồ-tát khác nữa, trải qua vô số kiếp tu hành, tận tụy hy sinh, vì sự lợi lạc quần sinh, có khi phải bỏ quốc thành thê tử, cho đến quên cả mình, đó không phải là gương phấn đấu không ngừng hay sao?  Người có tâm Bồ-tát hiểu giáo lý Đại thừa chân chính có bao giờ chịu trốn tránh đời để tìm sự an vui riêng một mình đâu!  Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy :   “Hết thảy học thuyết, chính trị, lời nói, văn chương làm ở thế gian không trái với Phật pháp.”  Cũng trong kinh Bảo Đàn ngài Huệ Năng cũng nói :   “Phật pháp ở thế gian, không ra ngoài thế gian mà có giác ngộ, nếu ta lìa thế gian mà cầu đạo Bồ-đề, không khác nào người đi tìm lông rùa sừng thỏ” (là vật không có).  Như vậy, đạo Phật bảo ta tìm chân lý ngay những cảnh ở trước mắt, nhận bản thể thực tại trong hiện tượng giới, nào có khiến ta phóng cuộc đời ra ngoài nghìn dặm mà không hề nghĩ đến đâu.
          Bản thể cuộc sống của con người ta có thể chia làm hai phần:  vật chất và tinh thần ?
          1.-  Sự sống về vật chất
          Những điều cần thiết cho đời sống vật chất đại khái không ngoài sự cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giao thông, vệ sinh và kinh tế.
          Vấn đề giao thông để liên lạc giữa thành thị với thôn quê, giữa tỉnh này với tỉnh khác, hoặc nước nọ với nước kia, làm cho mọi cái cần thiết được thông thương tiện lợi, khỏi điều bế tắc; vệ sinh để ngăn ngừa bệnh hoạn, khiến người đủ sức khỏe để hoạt động, còn kinh tế lo chỉ đạo việc sinh sản, mở mang nguồn lợi tức, phân phối vật liệu cho đủ sống đủ dùng, khỏi phải thiếu thốn khống đốn.
          Có thế thì vần đề cơm ăn áo mặc, nhà ở của nhân sinh mới được bảo đảm chắc chắn.
          Ngày xưa, khi nhân loại còn đương sống trong từng bộ lạc, năm mười người, hoặc năm bảy mươi người cùng nhau ở một khu rừng, một khuôn đất, ở cảnh thiên nhiên phong phú, họ chỉ bới xới một vài đám đất trồng ít lúa, ngoài ra còn kiếm hoa quả chim muông để dùng thêm cho đủ.  Sự sinh hoạt rất là dễ dàng nên không có ai tham tâm dành dụm làm gì, ở khu rừng này chán, lại dời qua khu rừng khác, lại cũng làm ăn như thế.  Bấy giờ người ta chẳng nghĩ gì đến vấn đề giao thông, kinh tế và đối với họ cũng chẳng cần thiết gì?  Về sau sự sinh đẻ dần dần thêm nhiều, và giữa các bộ lạc, thỉnh thoảng cũng đã xảy ra các sự xung đột giành cướp đất đai của nhau, nên có những đám người cùng nhau rời khỏi rừng núi, ra ở khoảng trung châu đất bằng để sinh hoạt.  Khi ấy người ta từ chế độ của riêng, mỗi người đã biết cắp nắp giữ gìn của mình, tuy nhiên đối với cái cần thiết cho sự sống họ còn trong cái thật chất để đổi chác cho nhau, như đem gạo đổi lấy muối, khoai đổi lấy cá hoặc đậu v.v…  Giá trị kinh tế lúc ấy chỉ có thế, ngoài ra họ không nghĩ gì đến vấn đề tiền tệ.  Mãi về sau người sinh ngày thêm đông đúc, sự sinh hoạt đã bắt đầu khó khăn bất tiện.  Bấy giờ người ta bèn nghĩ đến vấn đề tiền tệ.  Lúc đầu họ dùng các thứ kim khí đúc thành thoi, nén như vàng thoi, bạc nén v.v… dần dần tiến hóa lên, người ta đúc ra tiền đồng rồi đúc bạc đồng, bây giờ là bạc giấy.  Tóm lại, vấn đề tiền tệ cũng chỉ có giá trị đổi chác mà thôi, vì khi nền kinh tế của nhân loại đã bắt đầu phát triển phiền phức, đồng thời chế độ tư bản cũng được đuổi theo phát triển mạnh, để hoàn thành chế độ tư bản.  Chế độ tư bản tức  là chê độ may móc, nhà ngân hang do các nhà giàu có bỏ tiền ra gây dựng để hưởng lấy thặng dư giá trị của đám thợ thuyền lao động, đồng thời bắt chẹt các nhà tiểu tư bản và tiểu tư sản.
          Xét từ khi tài sản nhân loại đã bị tập trung vào trong tay một số người tư bản, thì những kẻ vì thiếu sức khỏe, vì lười biếng, thường khi bị cơn đói rét nghèo khổ dà xéo, sinh ra trộm cắp, cướp bóc cho đến cuộc chinh phục lãnh thổ, cướp nước giết người cũng chỉ là kẻ cướp của nhân loại.  Ngoài ra còn vì mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế, giữa tư bản nước này với tư bản nước khác, chủ nghĩa nọ với chủ nghĩa kia, nhân loại sinh ra thù giết hằn học lẫn nhau, xâu xé nhau, đánh nhau cuộc Âu châu đại chiến năm 1914-1918, và cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua, đã gieo ra biết bao thảm họa, biết bao tội ác.  Nhân loại vừa tỉnh cơn ác mộng gớm ghê, không ai là không phải lo sợ với với một cơn ác mộng khác.  Người ta còn nghi ngờ cuộc chiến tranh thứ ba có thể xảy ra!  Thành thử nhân loại cứ đua nhau đuổi theo cuộc tiến hóa vật chất, sáng chế phát minh ra nhiều khí cụ để lừa gạt nhau, xô nhau vào nơi vực thẳm.
          Để giải quyết sự chiến tranh mâu thuẫn giữa nhân loại, Karl Marx đã khéo áp dụng những điều phát minh của các nhà khoa học, triết học, sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội, chủ trương tranh đấu giai cấp dành quyền lợi từ tay chủ nghĩa tư bản, kiến lập Chủ nghĩa cộng sản.  Khi nhân loại đã có một nền kinh tế quân bình, sự mâu thuẫn giữa giai cấp không còn nữa, và chiến tranh sẽ hết, nhân loại sẽ được hưởng hạnh phúc sung sướng.
          Đức Phật dạy chúng ta nhận thức tất cả sự vật đều vô thường giả dối, tự nhiên lòng ta không còn tham lam, giữ gìn lấy cái không thực ấy làm gì, và tất cả sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên sinh, đều có sự quan hệ mật thiết với nhau, một người nghèo khổ có ảnh hưởng đến kẻ giàu sang, làm cho mọi người đều an vui, ấy là điều sung sướng nhất của mình.
          Như thế người ta sẵn sàng cho và giúp ích, nghĩa bố thí trong đạo Phật không phải như người đời hiểu lầm là “thí cho,” có tính chất cách khinh bạc hất hủi.  Bố thí nghĩa là cho, là san sẻ.  Vạn hữu vũ trụ cùng một bản thể sinh ra, trong khi người ta làm việc bố thí, lấy tất cả chúng sinh làm tự thể, mình đem giúp ích chỉ là mình làm cho mình, nên không có kiêu căng bỏn sẻn, không phân biệt ngã nhân, kẻ đem cho và người nhận lãnh vật cho đều bình đẳng.  Chữ bố thí lại còn có nghĩa cao hơn nữa, không phải tự tay mình cầm vật đem cho người khác mới gọi là bố thí mà không chấp trước ở sắc, thanh v.v…  cũng là bố thí.  Như trong kinh Kim Cương Phật dạy :   “Bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí.”  Nghĩa là :   “Không trụ trược (đắm mến) nơi sắc tức là bố thí, không trụ trược nơi hương, vị, xúc, pháp tức là bố thí.  Bố thí như thế mới là rốt ráo,” và làm căn bản cho nhiều hạnh bố thí khác.  Vạn hữu trong thế gian có cái gì ra ngoài sáu trần ấy.  Mỗi người đều không chấp trước ở sáu trần ấy, tất người cũng đều được nhận cái phần cho.
          Do đó, nhân sinh tự nhiên có được một nền kinh tế quân phân đều hòa, nhịp nhàng trong bổn phận “các tận sở năng, các thủ sở nhu,” không còn gặp khó khăn, hiểm trở, và phải nhẫn nhục, không trở ngại lười biếng, vì phải tinh tiến; không phá hoại trật tự, gây chiến tranh, vì phải trì giới; không dục vọng điên đảo, vì phải thiền định.  Như thế xã hội nhân sinh không còn ai phải nghèo quá, ai giàu quá, ai bóc lột ai, ai ghen ghét ai, để gây ra mâu thuẫn chiến tranh nữa.  Vũ trụ thiên nhiên là kho nguyên liệu rất giàu, rất dồi dào, nhân sinh tha hồ lấy dùng giúp vào công cuộc sống còn để phấn đấu không ngừng.
2.-  Sự sống về tinh thần
          Về phương diện này chia làm hai :   Học thức và đức hạnh.
a.-  Phần học thức :   Nhân sinh tuy đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở.  Song nếu không có học thức để mở mang về phần tinh thần thì cuộc sống của nhân loại quá ư mộc mạc, chẳng có ý vị gì ?  Và tất cả hành vi muốn có hiệu lực chắc chắn, không gì bằng có học vấn.  Văn chương, triết học, khoa học, là những cái có thể làm cho người ta lợi dụng được sự phát minh, kinh nghiệm của lớp nhân loại quá khứ mà phát triển cái năng lực của lớp nhân loại hiện tại, và mở đường cho lớp tương lai.  Nên các môn học ấy có thể rất có lợi ích cho nhân sinh, và nhân loại cần phải học.
b.-  Phần đức hạnh :  Những phát triển năng lực nhiều khi cũng có thể làm nhiều điều tàn hại cho nhân sinh, nếu không có đức hạnh để kiềm chế long bạo tàn vô yếm.
          Người đức hạnh là người không bao giờ có lòng tham lam, ích kỷ, tự phụ, kiêu căng, không lợi dụng cái gì riêng cho mình, không làm hại người mà hay làm việc công lợi công ích cho đời.
          Nhân sinh có học mà không có hạnh (đức hạnh) thì không khỏi cái học theo xuyên tạc, cầu kỳ, mà rồi không khéo nhân loại tự rèn lấy dao sắc để tự cắt tay mình, tự đào lỗ sâu để chôn mình.  Ví dụ như khi người khéo phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên, có lẽ ý nghĩ chỉ để giúp vào việc giao thong cho tiện lợi.  Nhưng về sau lại có người lợi dụng đem đặt vào đấy vài khẩu sung máy, móc vào đấy ít quả bom, hòng làm việc giết người, đó không phải là cái chứng cớ cho cái học sai làm sai sao ?
          Nên ngoài các môn học thường, nhân sinh cần phải có môn học chân chính, rộng rãi hơn, để khỏi hướng dẫn tinh thần vào con đường sai lạc, và nhân sinh cần phải có một nền đạo đức thuần thiện, để giữ vững nhân tâm trong cuộc sống còn.
          Vậy nên con người cần phải có học Phật, cần phải thực hành đạo đức Phật giáo.
c.-  Sự chung kết của nhân sinh
          Nhân sinh làm một sinh vật, chỉ sống còn trong khoảng 6, 70, thậm chí dến 100 năm, đến lúc chết rồi là hết, hay chết chỉ là một trạng thái thay đổi về hiện tượng, mà tâm thể của con người vẫn là cái lâu dài vĩnh viễn.
          Nếu con người chết rồi là hết, thì bao nhiêu cái học thiếu kinh nghiệm trong đời này chỉ là vô ích, cuộc sống nhân loại còn có ý nghĩa gì ?
          Một giống vật khác không cần có học thức như người, không cần có đủ hoàn cảnh như người, nhưng nó vẫn sống, vẫn tranh đấu, có đoàn thể, vẫn có giao thông gây dựng, và nó vẫn có tiếng kêu, hoặc biểu hiện để biết nhau.  Người ta không hiểu hết sự sinh hoạt của ta, như thế thì thử hỏi căn cứ vào đâu mà bảo “người là hơn hết muôn vật” (nhân ư vạn vật chi linh).
          Những kẻ chủ trương người ta chết rồi là hết, chỉ là kẻ mê chân lý, tinh thần, mãi đuổi theo vật chất cho thỏa lòng dục vọng đê hèn, đến khi gối mỏi chân chồn, ngã lăn vào chốn bùn lầy.  Đời sống vật chất lúc này còn có ý nghĩa gì?
          Cũng có người chấp linh hồn thường còn, khi chết linh hồn ấy sẽ được lên ở một nơi nào, hay sẽ về yên ở nơi âm phủ chốn suối vàng.  Ở đây người ta sẽ được gặp cha mẹ, bà con trong những ngày dương thế, chấp như thế đều sai lầm.
          Theo Phật giáo nhân sinh là một cuộc tập hợp của quá khứ, rồi do tập hợp hiện tại này làm nguyên nhân cho cuộc tập hợp về tương lai.  Cái chủ lực làm ra tập hợp ấy Nghiệp thức.
          Nên đối với sinh mạng lớn vô cùng của vũ trụ, nhân loại là một loài sinh vật hay một loài hữu tình đã có một trình độ tiến hóa tương đương, có thể tiến hóa hơn nữa cho đến khi thành Phật quả, nếu con người biết trau dồi đức tính tu tập công đức, trí tuệ, rửa sạch căn bản phiền não trong tâm hồn; trái lại cũng có thể tụt xuống hoặc thấp kém hơn như là ngạ quỷ, súc sinh, nếu nhân sinh mê lầm tạo nghiệp.
          Trong cuộc tiến hóa mình làm mình được, có nhân tất có quả, nhân sinh cần phải phấn đấu hơn lên, để khỏi mất một cơ hội tốt, khỏi phụ một đời làm người vậy.

Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :

Phật Giáo Khái Luận

Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (MatTôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)

Thế Giới Quan Phật Giáo

Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận

Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý

Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
XUÂN ĐẠO LÝ
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Huế - Nơi Mở Đầu Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963
Chiến Dịch Nước Lũ Của NGÔ ĐÌNH NHU 20-8-1963
Nhà Ngô Đàn Áp Phật Giáo Đêm 20 tháng 8 năm 1963
Tổ đình Khánh Anh, Bagneux và Khánh Anh mới tại Evry, ngoại ô Paris, Pháp Quốc
Tổ Đình Từ Hiếu - Ngôi Danh Lam Cổ Tự Đất Thần Kinh
Tổ Đình Thiền Tôn, Huế, - Nơi Xuất Phát Phái Liểu Quán . . .
Chùa Thánh Duyên, Huế Ngôi Quốc Tự Trên Đất Thân Kinh
Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự, Huế Với Tăng Cang Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh
Chùa Trúc Lâm, Huế : Với Hai Vị Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ 20 . . . .
Chùa Quốc Ân, Ngôi Tổ Đình Thiền Phái Lâm Tế Ở Huế, Chùa Đang Đại Trùng Tu
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3150225
Có -671 Khách Đang Online